Bài đọc 9: Chín thành phần của Mô hình Kinh doanh Canvas - Thành phần 8 - KP - Các đối tác chính

Thành phần thứ 8 của mô hình kinh doanh Canvas – KP - Key Partners - Những đối tác chính
Thành phần đối tác chính mô tả mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác mà nhờ đó mô hình kinh doanh có thể vận hành. Các công ty hình thành mối quan hệ đối tác vì nhiều nguyên nhân và các mối quan hệ này đang ngày càng trở thành nền tảng quan trọng trong nhiều mô hình kinh doanh. Các công ty thiết lập các liên minh để tối ưu hóa mô hình kinh doanh của mình, giảm thiểu rủi ro, hay tiếp nhận các nguồn lực.
Chúng ta có thể phân loại quan hệ đối tác thành bốn hình thức sau:
1. Liên minh chiến lược giữa các công ty không cạnh tranh lẫn nhau
2. Cộng tác: Quan hệ đối tác chiến lược giữa các đối thủ cạnh tranh
3. Liên doanh nhằm phát triển nghiệp vụ kinh doanh mới
4. Quan hệ người mua - nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung cấp tin cậy
Các câu hỏi quan trọng cần phải trả lời:
Nguồn: Youtube.com/business model canvas


Những đối tác chính của chúng ta là ai?
Nhà cung cấp chính của chúng ta là ai?
Chúng ta đang thu hút được những nguồn lực chủ chốt nào từ các đối tác?
Các đối tác đang thực hiện những hoạt động cốt lõi nào?
Có thể sẽ hữu ích khi phân biệt ba loại động cơ của việc thiết lập quan hệ đối tác như sau:
Sự tối ưu hóa và tính kinh tế theo quy mô
Hình thức đối tác cơ bản nhất hay chính là mối quan hệ giữa người mua hàng và nhà cung cấp được xây dựng nhằm tối ưu hóa quá trình phân bổ các nguồn lực và hoạt động. Có phần bất hợp lý khi một công ty tự mình sở hữu toàn bộ nguồn lực và thực hiện mọi hoạt động. Các mối quan hệ đối tác mang lại sự tối ưu hóa và tính kinh tế của quy mô thường được hình thành nhằm mục đích giảm thiểu chi phí và thường bao gồm quy trình sử dụng nguồn lực từ bên ngoài doanh nghiệp cũng như chia sẻ cơ sở hạ tầng.
Giảm thiểu rủi ro và sự bất ổn
Các quan hệ đối tác có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong một môi trường cạnh tranh có đặc trưng là tính bất ổn. Các đối thủ cạnh tranh thường không thiết lập liên minh chiến lược trong một lĩnh vực mà họ đang cạnh tranh lẫn nhau. Bluray là một ví dụ. Công nghệ định dạng đĩa quang học này được phát triển bởi một nhóm liên doanh bao gồm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử dân dụng, máy tính cá nhân và truyền thông. Nhóm này đã cộng tác để đưa công nghệ Bluray ra thị trường, song chính mỗi thành viên lại cạnh tranh với nhau trong quá trình tiêu thụ sản phẩm của mình.
Tiếp nhận những nguồn lực và hoạt động đặc biệt
Hầu như rất ít công ty sở hữu mọi nguồn lực hay tự thực hiện mọi hoạt động được mô tả trong mô hình kinh doanh của họ. Thay vào đó, họ tập trung vào năng lực chuyên môn của mình bằng cách dựa vào các công ty khác trong việc trang bị những nguồn lực đặc biệt hay tiến hành một số hoạt động nhất định. Những quan hệ đối tác này có thể được thúc đẩy bởi nhu cầu về tri thức, bằng sáng chế hay nhu cầu tiếp cận tốt hơn với khách hàng. Chẳng hạn, một nhà sản xuất điện thoại di động có thể cấp phép cho một hệ thống khác vận hành thiết bị thu phát cầm tay của mình thay vì tự phát triển một hệ thống nội bộ của chính mình. Một công ty bảo hiểm có thể chọn cách trông cậy vào các đại lý môi giới độc lập để bán các hợp đồng của mình hơn là phát triển lực lượng kinh doanh của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Case study: Economic Transformation in Vietnam

Tình huống ôn tập - Quản trị sự thay đổi tại Công ty TNHH Tư Vấn Khảo Sát Xây Dựng VA