Enron - kẻ dối trá vĩ đại nhất lịch sự

Bê Bối Tài Chính Enron - Vụ Gian Lận Kế Toán Gây Thiệt Hại 70 Tỷ USD Toàn Cầu

Nhiều người công tác trong ngành tài chính sẽ biết đến danh xưng Big Four. Đó là khái niệm để chỉ chung bốn hãng kiểm toán, tư vấn thuế tài chính có quy mô lớn nhất là PWC, KPMG, Deloitte và Ernst and Young. Nhưng ít ai biết rằng, trước đó, các ông lớn trong ngành kiểm toán được gọi là Big Five hay Ngũ đại gia.

Đó bao gồm Big Four kể trên cùng hãng Arthur Andersen. Quá trình từ Big Five chuyển thành Big Four cũng như sự suy tàn của Arthur Andersen gắn liền với vụ bê bối Enron.

Nguồn ảnh: https://www.bloomberg.com/

Quá trình Enron lên tới đỉnh cao

Năm 1985, Kenneth Lay sáp nhập Houston Natural Gas và InterNorth để thành lập công ty năng lượng Enron. Đầu những năm 1990, Lay góp phần vận động bán điện theo giá thị trường, nhờ vậy, những nhà giao dịch như Enron có thể bán năng lượng với giá cao hơn và gia tăng đáng kể lợi nhuận thu được.

Đến năm 1992, Enron đã lớn mạnh trở thành nhà buôn khí tự nhiên lớn nhất Bắc Mỹ. Tháng 11-1999, công ty khai trương website giao dịch EnronOnline để quản trị tốt hơn việc kinh doanh giao dịch các hợp đồng. Trong một nỗ lực nhằm đạt được tăng trưởng hơn nữa, Enron đã theo đuổi chiến lược đa dạng hóa.

Giá cổ phiếu Enron tăng vùn vụt, từ đầu thập niên 1990 đến cuối năm 1998 đã nhảy vọt 311%, vượt trội so với tỷ lệ tăng trưởng của chỉ số S&P 500. Trong 2 năm bản lề thiên niên kỷ, giá cổ phiếu Enron tăng tiếp 56% và 87%, trong khi chỉ số S&P tăng 20% vào năm 1999 và giảm 10% vào năm 2000. Enron tiếp tục là ngôi sao sáng chói trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Tới ngày 31-12-2000, cổ phiếu Enron có giá 83,13USD/cổ phiếu và vốn hóa thị trường của công ty vượt mốc 60 tỷ USD, cao gấp 70 lần thu nhập và 6 lần giá trị sổ sách, cho thấy TTCK kỳ vọng nhiều vào triển vọng tương lai của Enron. Thêm vào đó, Enron 6 năm liền được cuộc khảo sát của Tạp chí Fortune đánh giá là "Công ty sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ".

Lạc lối

Trên thực tế, Enron chỉ là nhà buôn sắp xếp hợp đồng giữa người mua và bán rồi lấy tiền hoa hồng. Trong tay Enron, thị trường năng lượng ngang hàng với một sự đầu cơ tài chính. Hãng này đã xây dựng những nhà máy trị giá hàng triệu USD khắp thế giới nhưng chỉ sở hữu chúng khi giá năng lượng lên ngôi, khi gặp khó khăn thì bán ngay lập tức. Nhờ hoạt động tài chính thuận lợi, Enron đã vươn sang các mặt hàng như giấy, nước, nhựa, kim loại và phương tiện viễn thông.

Enron sở hữu và điều hành một loạt các tài sản bao gồm các đường ống dẫn khí, các nhà máy điện, các nhà máy bột giấy và giấy, các nhà máy nước, cùng với nhiều loại hình dịch vụ trên toàn cầu. Enron cũng kiếm thêm doanh thu bằng cách mua bán những hợp đồng trong cùng mảng sản phẩm và dịch vụ mà công ty có tham gia.

Phép màu nào đã đưa Enron nhanh chóng lên đỉnh cao như một công ty năng lượng lớn nhất thế giới? Đáng tiếc là chính phép màu đó đã đưa Enron đến diệt vong. Đó là câu chuyện về công ty mẹ - con.

Liên minh ma quỷ

Rất có thể ai đó sẽ bắt được đúng bệnh của Enron ngay từ đầu và bốc thuốc kịp thời, nếu như những báo cáo tài chính của Enron không được bảo kê bởi một thương hiệu lớn là Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen.

Khi Jeffrey Skilling được thuê vào công ty và sau đó đảm nhận vị trí CEO Enron, dưới sự dung túng của Kenneth Lay, Skilling đã tập trung vào việc đáp ứng những sự kỳ vọng của Phố Wall bằng cách phát triển một ban bệ điều hành che giấu hàng tỷ USD thua lỗ và nợ nần từ những thương vụ và dự án bị thất bại. Để che giấu việc công ty đã vay quá khả năng chi trả, lãnh đạo Enron đã lợi dụng kẽ hở luật pháp để lập ra các công ty con mà không khai báo tài chính.

Bằng cách này, Enron vừa không phải công khai các khoản nợ, vừa che giấu được những khoản lỗ. Kết quả là Enron đã thổi phồng lợi nhuận của mình và giá cổ phiếu của công ty cũng theo đó tăng lên vun vút. Khi mà Enron phải thông báo chính thức rằng từ năm 1997 công ty đã thua lỗ trên 500 triệu USD, những người "trong cuộc" đã kịp thời thu những món lợi khổng lồ từ cổ phiếu của công ty thông qua các giao dịch nội gián không công khai.

Những hoạt động tài chính của Enron đều được dựa trên sự thiết kế và vận hành của điều mà nhiều nhà phân tích đặt tên là "những liên minh ma quỷ". Một mạng lưới chằng chịt quan hệ giữa Enron, một số quan chức chính phủ và đặc biệt là Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen đã giúp cho Enron. Chẳng hạn Kế toán trưởng của Enron là Richard Causey - Kiến trúc sư thiết kế ra hệ thống lừa dối cổ đông - nguyên là kiểm toán viên của Andersen chuyển sang.

Điểm lý thú là Andersen đã ký hợp đồng làm tư vấn cho Enron, sau đó chính mình lại đóng vai trò kiểm toán để xác nhận những báo cáo tài chính của Enron. Một kiểu hoạt động vừa đá bóng vừa thổi còi. Phí tư vấn và kiểm toán đều là những con số khổng lồ. Ví dụ, năm 2000, phí tư vấn là 27 triệu USD và phí kiểm toán là 25 triệu USD. Trung bình mỗi tuần, chi nhánh Andersen ở Houston nhận 1 triệu USD từ Enron.

Tin vào danh tiếng của Arthur Andersen (hoặc cố tin), đến lượt các công ty phân tích chứng khoán và ngân hàng đầu tư ở Phố Wall cho đến trước lúc tàn cuộc vẫn khuyên các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Enron.

Sự sụp đổ kép

Vụ việc vỡ lở vào tháng 10-2001, Enron chính thức tiết lộ một khoản lỗ hằng quý khổng lồ và cho biết họ đã phóng đại thu nhập một cách có hệ thống trong suốt ít nhất bốn năm. Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao đã tuột dốc không phanh xuống chỉ còn chưa tới 1 USD vào cuối tháng 11-2001. 

Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Hoa Kỳ (SEC) bắt đầu điều tra. Đối thủ cạnh tranh Dynegy đề nghị mua lại Enron nhưng thương vụ bất thành và ngày 2-12-2001, Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỷ USD, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.

Nhiều người trong ban điều hành Enron đã bị kết tội và tống vào tù. Trong đó, hai lãnh đạo cao nhất Jeffrey Skilling và Kenneth Lay từ người hùng trở thành những "kẻ dối trá và lừa gạt vĩ đại", đã khoa trương quá mức tình trạng sức khỏe của công ty và đưa công ty tới thảm cảnh phá sản, khiến cho nhà đầu tư mất hàng tỷ USD và khoảng 20.000 nhân viên Enron bị mất việc làm, nhiều người trong số họ mất luôn những khoản tiết kiệm cả đời vì đã góp vốn vào công ty.

Skilling và Lay bị buộc tội che giấu, làm những báo cáo giả và gian lận chứng khoán. Skilling còn bị kết tội giao dịch nội gián, phải chịu phạt 45 triệu USD và 24 năm tù. Lay thì đã chết vì nhồi máu cơ tim trong lúc chờ đợi bản án dành cho mình.

Về phần mình Công ty Tư vấn và kiểm toán Arthur Andersen bị tòa án quận kết tội cản trở tư pháp vì tiêu hủy giấy tờ liên quan đến vụ kiểm toán Enron.

Mặc dù sau đó tòa tối cao đã gỡ bỏ phán quyết của tòa án quận nhưng trên thực tế, Arthur Andersen đã phải đóng cửa vì mất hầu hết khách hàng. Điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng Giám đốc điều hành Arthur Andersen, ông Joe Berardino thừa nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng.

Tuy khẳng định rằng Arthur Andersen đã làm tất cả để hạn chế thấp nhất khả năng đổ vỡ của Enron, nhưng họ lại hủy hầu hết tài liệu có liên quan đến vụ việc, ngay cả khi Ủy ban Chứng khoán đã mở cuộc điều tra.

Ngay sau đó, một trong Ngũ đại gia oai hùng thuở nào bị cắn xé không chút thương xót. Hãng kiểm toán KPMG đồng ý thu nạp 23 chi nhánh "ở ngoài nước Mỹ" của Andersen với cái giá rẻ mạt là 284 triệu USD. Một trong Ngũ đại gia khác là Ernst & Young đã chiếm được phần lớn những khách hàng và chuyên gia của Andersen ở Mỹ.

Các chuyên viên kiểm toán không chỉ có kinh nghiệm chuyên môn tốt mà còn mang theo các mối quan hệ khách hàng. Một số công ty nhỏ hơn cũng kiếm được phần chia. Công ty Tư vấn Hitachi Consulting của Nhật thuê lại 400 chuyên gia của Andersen, một trong số đó đã trở thành Tổng Giám đốc của Hitachi Consulting.

Đó là kết cục của Arthur Andersen, một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, với 85.000 chuyên gia và 89 năm lịch sử, đến năm 2007 chỉ còn không đầy 200 người, chủ yếu để hầu tòa trong các vụ kiện của cổ đông trong các công ty khách hàng trước đây.

Vụ bê bối Enron đã đưa họ tới giải IgNobel "Sử dụng sáng tạo nhất những con số tưởng tượng" vào đầu năm 2002, nhưng không một cựu thành viên nào trong ban quản lý Enron chịu nhận giải thưởng nặng tính mỉa mai này.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Case study: Economic Transformation in Vietnam

Tình huống ôn tập - Quản trị sự thay đổi tại Công ty TNHH Tư Vấn Khảo Sát Xây Dựng VA