Tình huống CSR Tuần 1 - Nike Việt Nam

Tình huống thảo luận tuần 1:  Nike Việt Nam
Source: globalpeaceandconflict.wordpress.com/2012/02/23/nike-and-modern-day-slavery


Tình huống A - Làn sóng phản đối Nike sử dụng lao động trẻ em

Khi các điều kiện làm việc ở nước sở tại rõ ràng kém hơn so với các điều kiện này ở nước chủ nhà của một công ty đa quốc gia thì tiêu chuẩn nào nên được áp dụng? Các tiêu chuẩn của nước sở tại, của chính quốc hay một quốc gia thứ ba nên được lựa chọn? Mặc dù một vài người đề xuất rằng điều kiện làm việc và tiền lương nên ngang bằng giữa các quốc gia, chênh lệch bao nhiêu là chấp nhận được? Ví dụ, trong khi tình trạng công nhân phải làm việc 12 tiếng một ngày, nhận mức lương rẻ mạt và không được bảo vệ khỏi hóa chất độc hại có thê’ là phổ biến ở một số quốc gia đang phát triển, điều này có nghĩa là các công ty đa quốc gia cũng có thể chấp nhận điều kiện làm việc như vậy ở các chi nhánh ở nước ngoài hay không hay họ nên bỏ qua điều này bằng cách sử dụng thầu phụ
Vào thập niên 90, Nike thấy mình đang nằm ở tâm điểm của làn sóng phản đối khi báo chí đưa tin là điều kiện làm việc ở nhiều nhà thầu phụ của công ty này rất tồi tàn. Các cáo buộc điển hình được thông tin chi tiết trong một chương trình có tên là 48 giờ phát sóng vào năm 1996. Báo cáo này phác thảo hình ảnh của một phụ nữ trẻ phải tiếp xúc với vật liệu độc hại sáu ngày một tuần trong điều kiện tồi tàn chỉ với lương 20 cent một giờ ở một nhà thầu phụ tại Việt Nam. Báo cáo cũng nói rằng mức lương đủ sống ở Việt Nam là 3$/ngày - mức thu nhập chỉ có thể đạt được nếu phải tích cực làm thêm ngoài giờ. Tại thời điểm 1996, Nike và các nhà máy gia công đã không vi phạm bất cứ bộ luật nào, nhưng báo cáo này và các báo cáo tương tự, làm dấy lên câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm xã hội của việc vắt kiệt sức lao động trong các công xưởng tồi tàn để làm ra những phụ kiện và mặt hàng thời trang cơ bản. Điều đó có thể hợp pháp, nhưng liệu việc sử dụng các nhà máy gia công mà theo tiêu chuẩn của phương Tây, rõ ràng đang lạm dụng sức lao động của nhân công có phải là phù hợp đạo lý, chuẩn mực đạo đức hay không? [...].' (1)

Tình huống B: Lao động trẻ em – Đạo đức ngu ngốc

Ở làng kia ở Ấn Độ, người dân rất nghèo. Vì quá nghèo nên con cái trẻ em phải đi làm từ nhỏ. Từ việc phụ làm đồng cho đến lao động thuê. Đó là điều hiển nhiên từ xưa đến giờ. Cái nghèo, cái đói ập đến, không cha mẹ nào muốn điều đó cả, và cũng không một gia đình nào muốn nghèo, muốn đói. 

Rồi một ngày nọ, hãng Nike tới làng và xây dựng nhà máy. Nike tuyển mọi lao động với giá thấp nhưng cao hơn mức lương bình quân rất nhiều. Thế là cha mẹ làng đó mới đưa con mình đi làm. Ở Nike, những đứa trẻ được trả lương tốt hơn so với làm thuê cho người trong làng.

Một ngày đẹp trời kia, một anh sinh viên Mỹ tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc áo Nike anh ta mặc. Anh ta khám phá rằng nó được làm bởi lao động trẻ em. Thế là với tinh thần nhân đạo, anh ta bắt đầu chiến dịch chống lao động trẻ em. Anh ta cho rằng Nike bóc lột và lợi dụng trẻ em để kiếm lời. Đó là mất dạy và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.

Sau vài tháng thực hiện chiến dịch, anh ta rất thành công. Đến mức một nghị sĩ đã đe dọa Nike. Nếu Nike không bỏ việc sử dụng lao động trẻ em, ông ta sẽ cắt đặc ân thuế. Dưới áp lực xã hội và chính phủ, Nike đã ngưng việc thuê lao động trẻ em ở làng kia vì kinh doanh nhân đạo.

Sau khi bị Nike sa thải, các trẻ em nghèo không biết làm gì đã chọn 2 con đường còn lại: mại dâm và ăn xin. Con trai thì đứng đường giả tàn tật. Con gái thì bị cha mẹ bán cho bọn buôn người. Lý do chính là ở làng không có việc gì để làm mà Nike thì không chịu nhận lao động trẻ em.

Thay vì người dân đi làm với mức lương thấp so với mức lương ở Mỹ, nhưng mức lương này cao so với mức sống ở Ấn Độ và khu vực, họ bị kẹt trong vòng xoáy nghèo đói. Lòng nhân đạo của anh sinh viên Mỹ kia và hàng ngàn người như anh đã phản tác dụng. Anh ta đã làm cho cậu bé kia, cô gái kia, gia đình kia và ngôi làng kia nghèo hơn. Liệu đó có phải là lòng nhân đạo ngu xuẩn? Liệu lao động trẻ em là điều tồi tệ, nhưng cấm nó sẽ có hậu quả tồi tệ hơn? (Nguồn: cafecubua.com)

Thảo luận:
Bạn suy nghĩ gì về hai tình huống nêu trên?
Bạn ủng hộ hay phản đối Nike sử dụng lao động trẻ em? Vì sao?
Dựa trên câu chuyện của Nike, các bạn rút ra bài học gì liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội?

(1) Nguồn: dịch từ https://www.nytimes.com/1997/11/08/business/nike-shoe-plant-in-vietnam-is-called-unsafe-for-workers.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Case study: Economic Transformation in Vietnam