Tình huống - CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN SAMSUNG LEE KUN HEE & CUỘC ĐẠI CẢI CÁCH NEW MANAGEMENT 1993

 CHỦ TỊCH  TẬP ĐOÀN SAMSUNG LEE KUN HEE & CUỘC ĐẠI CẢI CÁCH NEW MANAGEMENT 1993

Biên soạn lại từ bài gốc của tác giả: Tô Chính Nghĩa - Nguyên Giám đốc Điều hành Miền Bắc & Miền Trung Việt nam Samsung Vina Electronics

SAMSUNG ELECTRONICS: TUYÊN BỐ FRANKFURT & THÁNH KINH “NEW MANAGEMENT” NĂM 1993 CỦA CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN SAMSUNG LEE KUN HEE

Samsung Electronics được thành lập tháng 11/1969 còn Samsung Group được thành lập từ 1938. Năm 1991 -  Samsung Electronics chính thức vào Việt Nam và văn phòng đầu tiên được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1991, quan hệ ngoại giao Việt Nam & Đại Hàn Dân Quốc vẫn chưa được thiết lập chính thức - chỉ ở mức thành lập văn phòng liên lạc (The Liaison Office) và đến cuối năm 1992, hai nước mới lập quan hệ ngoại giao chính thức cấp đại sứ. Tuy nhiên, trên thực tế Samsung Corporation (Samsung Trading) đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ 1984 qua các hoạt động barter contract - thực hiện các thương vụ bằng đổi phân bón, thuốc trừ sâu, tân dược… lấy gạo, cà phê, than đá…

Năm 1993, Samsung Electronics mở thêm VP tại Hà nội và coi đây là VP chính tại Việt nam. Đây cũng là năm gắn liền với lịch sử Samsung Group trong sự kiện có tính bước ngoặc ”Tuyên bố Frankfurt – New Management”. Trong Samsung, chúng tôi gọi là đó là thánh kinh hay tuyên ngôn mới của Samsung Group.


 

Tháng 02/1993, sau một đợt công tác đặc biệt 2 tháng tại Hoa Kỳ, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee đã triệu tập 23 quản lý cao cấp trong ngành điện tử & điện máy tại Los Angeles Hoa Kỳ để đi khảo sát thị trường tại trung tâm thương mại lớn nơi đây, đợt khảo sát đã chứng kiến sức cạnh tranh rất yếu ớt của các sản phẩm Samsung.

Hầu hết những nơi ông đến thăm, sản phẩm Samsung bị bày trong các góc tối ít ai để tâm, trong khi các hàng Sony, Panasonic, Whirlpool, Philips, Nec hay Motorola được bày tại các chỗ rất bắt mắt mà chúng tôi gọi là “prime location”

Tháng 03/1993 Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee triệu tập 46 người trong ban giám đốc họp tại Tokyo Nhật Bản sau khi đến thăm quan các nhà máy & trung tâm bán lẻ tại đây. Việc mục sở thị này nhằm rung lên hồi chuông báo động với công ty số 1 Hàn quốc nhưng lại có khoảng cách rất lớn với các sản phẩm & thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới.

Đến Frankfurt- Đức ngày 04/ 06/1993, ông nhận thêm báo cáo của cố vấn Fukuda người Nhật - người đang phụ trách sản xuất của Samsung về tình trạng trì trệ trong tinh thần cũng như thái độ làm việc của bộ phận R&D. Ngay lập tức vào ngày 07/ 06/1993 ông cho tập trung 250 lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn Samsung toàn cầu để họp khẩn cấp trong 3 ngày liên tiếp từ 14 đến 16 tháng 06/1993. Và chính tại Khách sạn Kempinski  - “TUYÊN BỐ FRANKFURT – NEW MANAGEMENT” lịch sử ra đời, đánh dấu một công cuộc Đại cải tổ - một giai đoạn phát triển mới rực rỡ trong lịch sử tập đoàn Samsung.

Tiếp theo tháng 09/1993 để tập trung & triển khai mạnh mẽ TUYÊN BỐ FRANKFURT, Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee cho tổ chức huấn luyện 850 quản lý cấp cao tại tổng hành dinh Head Office tại Seoul. Rồi sau đó ông đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới, từ London đến Osaka rồi New Jersey để trực tiếp truyền đạt khát vọng & cách thức thay đổi của Samsung & bản thân đến từng lãnh đạo dưới quyền.

Ông đã thực hiện 48 buổi gần 350 giờ huấn giảng như lên đồng trong chiến dịch kéo dài 2 tháng & 8 ngày cho 1,850 lãnh đạo cao cấp của Samsung Group. Toàn bộ nội dung sau đó được ghi chép lại hết 8,500 trang giấy. Để ngắn gọn, dễ hiểu, Samsung đã biên soạn lại thành cuốn cẩm nang gói gọn trong 200 trang và mang tên gọi “NEW MANAGEMENT” làm nên dấu mốc lừng lẫy trong quá trình phát triển rực rỡ của SAMSUNG.

Chiến dịch phổ biến, triển khai tinh thần và nội dung của “ NEW MANAGEMENT” diễn ra rầm rộ những tháng năm sau đó. Kết quả của chiến dịch này trên toàn cầu đã mang lại những thành tựu rực rỡ cho Samsung Group nói chung & đặc biệt là Samsung Electronics.

Toàn bộ tinh thần và nội dung chính của tuyên bố này được in bằng chữ to có hình minh họa cho sống động bằng tiếng Hàn Quốc và được dịch ra tiếng Anh để phổ biến cho toàn bộ nhân viên Samsung Group trên toàn cầu. Tôi còn nhớ mình đã đọc say sưa một lèo, quên cả ăn cơm trưa, từ trang đầu đến trang cuối cuốn sách nhỏ mang tinh thần vĩ đại và kỳ diệu này. Và sau đó là bao nhiêu lần nữa tôi không còn nhớ, thậm chí thường mang ra làm minh chứng khi tâm sự và trao đổi với nhân viên trẻ hay cả các nhà báo.

Cuốn sách rất dễ đọc và có sức cuốn hút tôi ghê gớm. Nội dung của cuốn sách rất dễ hiểu từ cách thức tiếp cận, đặt vấn đề đến thiết lập một tầm nhìn mới (New vision) mới cho cả Samsung Group, cùng một loạt các chiến lược, giải pháp cốt lõi, nhằm cải cách triệt để đưa Samsung từ doanh nghiệp hạng 2 trở thành doanh nghiệp hàng đầu, đạt đẳng cấp thế giới. Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee là một thiên tài lãnh đạo và quản trị kinh doanh ông đã từng tốt nghiệp Đại Học Waseda – Nhật bản & có bằng MBA tại Đại học George Washington Hoa Kỳ, nên tromg ông đã kết hợp được tri thức dòng tộc, dân tộc, tiên tiến và thời đại, của văn minh Đông-Tây cũng như thế giới đương đại. Trong phương thức tiến hành công cuộc cải cách vĩ đại này chúng ta thấy rất rõ phong cách và mô thức vừa kinh điển vừa rất thực tiễn này:

I. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG

Ông Lee Kun Hee bắt đầu từ cái nhìn và đánh giá rất thẳng thắn, trung thực về Samsung thời kỳ đó:

  1. Samsung đang mắc căn bệnh nan y mang tên Samsung đó là: lãng phí, thiếu kế hoạch, chi tiết và không triệt để...
  2. Đối với Tập đoàn và công ty: ông đánh giá chỉ là hạng 2 cách biệt với các công ty hàng đầu thế giới như GE, IBM, Sony, Panasonic, Philips…
  3. Đối với sản phẩm và dịch vụ : Sự sáng tạo cũng chỉ hạng 2 qua các từ rất đắt :”Me too, follower” hay thậm chí “imitator”
  4. Đối với khách hàng cũng là sự lựa chọn thứ 2 (The 2nd choice) hay (the 2nd buyer)
  5. Samsung là số 1 Hàn quốc và đang dương dương tự đắc khác nào ếch ngồi đáy giếng... Và nếu không phấn đấu trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới, Samsung Group sẽ không thể tồn tại.

II. TRUYỀN CẢM HỨNG ĐỂ THAY ĐỔI NHẬN THỨC

Sự quyết tâm và tính quyết liệt khiến ông như lên đồng trong tất cả các bài phát biểu. Ông từng nhấn mạnh câu nói: “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con bạn” rất nhiều lần. Cách thức truyền lửa và tâm huyết sôi sục này hoàn toàn khác biệt với phong cách của ông nhiều năm trước đó. Cách tiếp cận này thể hiện sự quyết đoán để hành động mãnh liệt nhằm thay đổi toàn bộ tập đoàn Samsung.

Bên cạnh đó chúng tôi vẫn thấy đầy chất nhân văn, thể hiện tầm nhìn và mục tiêu văn hóa rất cao đẹp trong câu nói nổi tiếng trong chương trình triển khai, phổ biến và giáo huấn đến 850 giám đốc của Samsung toàn cầu tại Seoul: “Lợi nhuận trong kinh doanh cả thế giới này không làm tôi hạnh phúc bằng nhìn thấy nhân viên Samsung hạnh phúc”. 

Trong thời  gian này Samsung cũng thay đổi logo. Logo mới là một hình elip kiểu đĩa bay ôm chữ Samsung cách điệu với màu xanh dương đậm. (Tôi có nghe người thiết kế ra Logo này được nhận một triệu USD). Trong đó mầu xanh dương biểu thị cho tính tự tin, tiềm năng và thân thiện. Chữ Samsung xuyên suốt logo với chữ A cách điệu độc đáo thể hiện sự năng động và linh hoạt, tính kết nối từ trong ra ngoài. Samsung trong tiếng Hàn có nghĩa là tam tinh - ba ngôi sao một khái niệm có ý nghĩa lớn trong tâm linh truyền thống của người Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung...

III. THIẾT LẬP TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC, MỤC TIÊU VĂN HÓA & HỆ GIÁ TRỊ MẠCH LẠC

Trong cuốn sách này ông Lee Kun Hee cũng đề cập rõ ràng triết lý của Samsung: “Chúng ta nguyện cống hiến mọi của cải nhân tài vật lực để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tuyệt vời, từ đó đóng góp tích cực cho một xã hội toàn cầu tốt đẹp hơn”. Cả nguyên tắc kinh doanh cơ bản  của Samsung sau đó được viết ra và truyền thông mạnh mẽ trong tổ chức: 

1.Chúng ta tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức và luật pháp;

2. Chúng ta giữ gìn văn hóa tổ chức trong sạch;

3. Chúng ta tôn trọng khách hàng, cổ đông và nhân viên của mình;

4. Chúng ta quan tâm đến sự an toàn, sức khỏe và môi trường;

5. Chúng ta là nhân viên trong công ty và là công dân có trách nhiệm xã hội.

Các thông điệp này được in thành các banner trang trọng treo tại tất cả các văn phòng của Samsung trên toàn cầu

IV. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THEO KIỂU SMART & BIẾN CHIẾN LƯỢC THÀNH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Ban đầu các thành viên tham dự còn im lặng lắng nghe sau đó họ bắt đầu hưởng ứng tham gia phát biểu và đề xuất các ý tưởng, giải pháp rất mới mẻ và sáng tạo. Đây là bước tiến mới trong quá trình ra quyết định và triển khai, từ khá độc đoán đến sự tham gia khá dân chủ. Điển hình là Công thức 7&4 sau trở thành quy định 7.4 :

Samsung sẽ đầu làm việc lúc 7h00 sáng và kết thúc vào lúc 4h00 chiều thay cho giờ phổ biến tại Hàn quốc là 9h00 và 6h00. Thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến việc tái nhận thức của nhân viên, nhằm xắp xếp một lịch làm việc và sinh hoạt cân bằng hơn. Việc thay đổi này cũng còn ý nghĩa tích cực là tránh được giờ cao điểm, giảm thời gian trên đường. Nếu chúng ta ra phố và xuống tàu điện ngầm vào 7h00 sáng hay 16h00 chiều thời gian đó sẽ thấy tràn ngập toàn màu xanh dương đồng phục của nhân viên Samsung. Với 300,000 nhân viên và hàng triệu gia đình của họ liên quan, rõ ràng cuộc cách mạng này có tác động rất tích cực và được truyền thông mạnh mẽ đến toàn xã hội Hàn Quốc.

Nguyên tắc Format Line Stop: mọi nhân viên Samsung có quyền yêu cầu dừng dây chuyền sản xuất khi chất lượng sản xuất ra không bảo đảm.  Tư duy mindset “Nói không với hàng kém chất lượng” được thể hiện qua việc thiêu hủy 150,000 chiếc điện thoại SCH-700 sau khi có phàn nàn của một số khách được ông Lee Kun Hee tặng.

Đây là công thức hiện đại của quy trình ra quyết định dân chủ và hiệụ quả mà chúng ta hay gặp trong các học thuyết về quản trị và lãnh đạo. Xong trên thực tế, đây là công cuộc cải cách có tính cách mạng với nhiều cam go mà tôi biết sau đó. Thực tế thì cha ông là cố chủ tịch Lee Byung Chul đã có tuyên bố Tokyo trước đó nhằm “ Đeo đuổi vị trí số 1” nhưng chưa thành công.

Ông Lee Kun Hee đã từng tâm sự:” Khi tuyên bố NEW MANAGEMENT trong lòng tôi chất chứa nỗi cô đơn tột cùng, như kẻ đơn độc đối diện với ngọn núi sừng sững trước mặt, giữa dòng xoáy biến hóa khôn lường của thời đại”. Và ông nói: “Trước cuộc khủng hoảng thật sự của tập đoàn liên quan đến sự tồn tại sống còn, tôi càng có thêm động lực mạnh mẽ hơn bao giờ hết để tiến hành triệt để cuộc cách mạng này

V. NHỮNG THAY ĐỔI TRIỆT ĐỂ & LÊN ĐỈNH CAO THẾ GIỚI

Vào những năm đầu 1970s sau khi thành lập Samsung điện tử, các kỹ sư R&D của Samsung đã mua tất cả các sản phẩm nổi tiếng của Nhật Bản hồi đó để tháo ra từng chi tiết và linh kiện để nghiên cứu (Complete knocked down - CKD). Họ đã báo cáo cho ông Lee Kun Hee rằng Samsung không thể sản xuất được các sản phẩm cuối tốt và đẹp như Nhật Bản nếu không có công nghệ và các nhà máy sản xuất được các linh kiện chủ lực có chất lượng.

Từ những năm 1980s, chủ tịch đầu tiên của Samsung là Lee Byung Chul đã khởi xướng về chiến lược định hướng nhằm phát triển ngành sản xuất các linh kiện tích cực và chủ lực (key components) cho ngành điện tử và điện máy: Các đèn hình CRT và CPT; các bộ chuyển kênh tuner và cuộn cao áp fly-back cho máy thu hình; Bộ tạo sóng magnetron cho lò vi sóng MWO; Động cơ điện cho máy giặt MW và máy nén compressor cho tủ lạnh REF và điều hòa không khí AC.

Đến 1986, chiến lược định hướng đầu tiên được lựa chọn là:

1. Tập trung phát triển ngành bán dẫn “Tất cả các thiết bị điện tử chỉ là chiếc hộp vô dụng nếu thiếu thiết bị bán dẫn”;

2. Tập trung phát triển công nghệ kỹ thuật số: “Digital all invited” vào cuối những năm 1990s;

3. Tập trung phát triển mẫu mã vào đầu những năm 2000s, Samsung đã thực hiện các việc sau:

- Tuyển dụng hàng trăm nhà thiết kế thời trang, thiết kế trang sức và thiết kế kiến trúc trên thế giới để thay đổi toàn bộ concept và văn hóa về mẫu mã, kiểu dáng của sản phẩm Samsung

- Hợp tác với các hãng và nhà thiết kế thời trang hàng đầu thế giới : Giorgio Armani, Swarovski hay Andrei Kim…

4. Tập trung phát triển sản phẩm thiết bị kỹ thuật số cá nhân những năm 2000s, mà nòng cốt là điện thoại di động rất thành công hiện nay. Bên cạnh đó Samsung cũng là nhà cung cấp thiết bị cho công nghệ di động hàng đầu thế giới trước kia và 3G,4G,5G hiện nay.

5. Tập trung phát triển LCD và LED: Samsung đã trở thành nhà sản xuất LCD panel lớn nhất thế giới và sau đó Sony đã phải liên doanh góp vốn để được cung cấp tấm LCD này.  Ngay sau đó không lâu, Samsung dẫn đầu thế giới về sản xuất LCD trên nền LED cho TV và OLED cho điện thoại di động.

6. Tham gia phong trào Olympic quốc tế: Là thành viên chính thức của Ủy ban Olympic Quốc tế IOC từ 1988 khi thế vận hội đầu tiên được tổ chức tại Hàn quốc, chúng ta luôn thấy các hoạt động, sản phẩm Samsung xuất hiện tại tất cả các sự kiện Olympic: Thế vận hội mùa hè và mùa đông , Á vận hội mùa hè và mùa đông…

VI. HƯỚNG ĐÍCH MẠNH MẼ VÀO KẾT QUẢ

Năm 2013 với tập đoàn Samsung trên toàn cầu:

  • Doanh số tăng trên 200 lần so với 1993
  • Xuất khẩu tăng trên 200 lần
  • Lợi nhuận trên 60 lần
  • Nhân viên : chỉ tăng 3,5 lần

Đặc biệt với Việt Nam, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tổng vốn đăng ký và thực hiện của Samsung hiện đạt khoảng 17.50 tỷ USD, có 3 tổ hợp nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và Tp. Hồ Chí Minh và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, tạo việc làm cho gần 200.000 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/ tháng, trong đó có hàng vạn kỹ sư, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, chưa tính hơn 120,000 lao động tại các xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho Samsung và hàng vạn người làm dịch vụ cho thuê nhà, ăn uống, giải trí, phục vụ sinh hoạt.

Tại Hà Nội, Samsung đã thành lập Trung tâm R&D quy mô lớn, hiện có khoảng 2.000 kỹ sư trẻ của Việt Nam đang làm việc trong điều kiện công nghệ hiện đại, phương thức nghiên cứu tiên tiến và môi trường làm việc văn minh.

Năm 2018, doanh thu Samsung Việt nam đạt doanh số 65,70 tỷ USD, xuất khẩu ra thị trường 52 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch 50 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và 28% GDP của Việt Nam, Tổng tài sản của Samsung Việt Nam đã đạt trên 20 tỷ USD.

Tổng số tiền nộp thuế của Samsung năm 2014 là 165 triệu USD; năm 2015 tăng lên 186 triệu USD; năm 2016 là 300 triệu USD 6.750 tỷ đồng, năm 2017 là 386 triệu USD (4.185 tỷ đồng) … và số thuế Samsung phải nộp vào ngân sách sẽ tăng lên nhanh chóng khi hết thời hạn được hưởng ưu đãi thuế.

Như vậy, đầu tư Samsung tại Việt Nam được đánh giá là bền vững, hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam. Qua sự phát triển lớn lao và thành quả vĩ đại của Samsung, chúng tôi có chút tự hào là có đóng góp chút phần mình vào thành công đó và được trưởng thành từ trường đại học – học viện kinh doanh mang tên Samsung Business University (SBU)

VI. HIỆU ỨNG “LEE KUN HEE & NEW MANAGEMENT”

Tác động sau tuyên bố và cuộc cải cách thần thánh “ NEW MANAGEMENT” không những làm thay đổi và phát triển tập đoàn Samsung một cách bền vững mà còn có tác động mạnh mẽ đến kinh tế và xã hội Hàn quốc [...]

Kinh tế Việt nam nói chung và những tập đoàn kinh kế tư nhân hàng đầu như Vin Group, Sun Group, Masan Group hay Thaco Group, Hoang Anh Group, Sovico Group cũng có thể xem đây làm một mô hình cải cách và case study vĩ đại rất đáng tham khảo và học hỏi.

Câu hỏi thảo luận:

1. Sự thay đổi lớn của Samsung diễn ra khi nào? 

2. Động cơ nào dẫn đến sự thay đổi ở Samsung? 

3. Sự thay đổi gì đã diễn ra tại Samsung? Chủ tịch Lee Kun Hee đã làm gì để sự thay đổi lớn này xảy ra thành công?

4. Xét trên bài học của chương này, mô hình thay đổi nào phù hợp nhất để giải thích cho sự thay đổi của Samsung?

Nhận xét

  1. câu hỏi 4: căn cứ trên lý thuyết của chương 1, mức độ thay đổi nào phù hợp để giải thích cho sự thay đổi của Samsung ở thập niên 90s?

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Case study: Economic Transformation in Vietnam

Tình huống ôn tập - Quản trị sự thay đổi tại Công ty TNHH Tư Vấn Khảo Sát Xây Dựng VA